TUYÊN TRUYỀN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TẾT TRUNG THU
Nhân dịp Tết Trung thu năm 2024, cũng như mọi năm nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm bánh kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu. Nhưng các sản phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các nguyên nhân sau:
Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Phần lớn các cơ sở đều đảm bảo được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh. Tuy nhiên một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, môi trường, quy trình làm bánh không đảm bảo,…. Một số cơ sở sản xuất bánh Trung thu chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà chưa ghi ngày sản xuất, nhằm đánh lừa người tiêu dùng…..do đó Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm xã khuyến cáo các tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng cá nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để được hưởng một mùa trung thu ấm áp tốt lành bên gia đình và người thân.
1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
– Trang thiết bị dụng cụ phải đảm bảo vệ sinh; gửi mẫu kiểm nghiệm định kỳ, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ đầy đủ;
– Nguyên liệu chế biến thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế;
– Sử dụng bao bì thực phẩm phải sạch sẽ, an toàn, ghi nhãn sản phẩm đầy đủ thông tin có ngày sản xuất, hạn sử dụng, số công bố sản phẩm, cách bảo quản sản phẩm thực phẩm.
– Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu phải đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, cần bảo quản bánh nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ; tuyệt đối không được bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc; người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ đầy đủ.
2. Đối với người tiêu dùng
– Trong dịp tết Trung thu, người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
– Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm về, khi mở ra sử dụng cũng cần quan sát màu sắc bên trong, mùi vị đặc trưng của bánh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng nên hợp tác, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nơi gần nhất để đề phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra./.
Nguồn: Sưu tầm