Thứ ba, ngày 08 tháng 10 năm 2024
Cập nhật lúc: 21/08/2019

Cách mạng tháng tám năm 1945

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước. Cách mạng tháng tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh Việt Nam, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là thành quả 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trước cách mạng tháng tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa, nữa phong kiến, đất không rộng, người không đông, bộ máy thống trị của đế quốc và phong kiến là bộ máy chính quyền tập trung - trung ương trực tiếp nắm các địa phương, được bảo vệ bởi đội quân viễn chinh (trước ngày 09/3/1945 là quân đội Pháp và Nhật, sau đó là quân đội Nhật) cùng binh lính tay sai người Việt, được trang bị vũ khí vượt trội và có ưu thế về tổ chức, huấn luyện. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước không chỉ là đấu tranh vũ trang của lực lượng vũ trang cách mạng mà còn là những cuộc nổi dậy đánh giặc của toàn dân”.

Thực hiện đường lối đó, để chuẩn bị mọi mặt tiến đến Tổng khởi nghĩa, trong quá trình vận động cách mạng, Đảng ta chủ trương, trước hết là xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang nhân dân, tạo ra lực lượng to lớn, có sức mạnh tổng hợp cao, hơn hẳn đối phương. Đặc biệt, Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có tầm nhìn chiến lược, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, chớp lấy thời cơ thuận lợi có một không hai (nước Nhật bại trận và đầu hàng đồng minh trong Thế chiến thứ II, quân đội của chúng và chính quyền bù nhìn Việt Nam đang hoang mang, dao động cực độ), kịp thời chuyển hướng chiến lược, phát động cao trào toàn dân kháng Nhật, cứu nước. Theo đó, thời kỳ này ta động viên được đông đảo quần chúng tham gia một cách sôi nổi, mạnh mẽ; lực lượng chính trị được phát triển sâu, rộng đã tạo cơ sở để lực lượng vũ trang từng bước phát triển cả ở nông thôn, thành thị cũng như trung du và rừng núi. Tiếp đó, ngay sau Lời kêu gọi (Quân lệnh số 1) của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa các cấp, lực lượng chính trị quần chúng tiếp tục được mở rộng với quy mô lớn hơn, rộng khắp các địa phương trên phạm vi toàn quốc, tạo sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh quyết liệt với quân thù. Vì vậy, khi Tổng khởi nghĩa diễn ra, đội ngũ đấu tranh chính trị là lực lượng quần chúng đông đảo (có lực lượng vũ trang cách mạng địa phương hỗ trợ), chỉ với gậy gộc, giáo mác, thậm chí là tay không đã nhất tề theo Đảng, Bác Hồ đứng lên đấu tranh dưới các hình thức: mít tinh có vũ trang, biểu tình - tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang,… nhưng đã làm chủ hoàn toàn cả về thế và lực, xông lên như vũ bão, đánh chiếm các cơ quan đầu não cùng các cơ sở, đồn trại của địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, ngày 02/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945

Cách mạng tháng tám thành công là kết tinh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Dân tộc ta có lịch sử hàng nghìn năm chống xâm lược, là kết quả của 80 năm chống ách thống trị thực dân, trực tiếp là 15 năm đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến, trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường Xã hội chủ nghĩa, có quan hệ Quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền.

Sau khi thống nhất đất nước, tinh thần và ý nghĩa quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng tháng tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc về kinh tế - xã hội, đưa nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tại, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Tinh thần Cách mạng táng tám sẽ tiếp tục thôi thúc Đảng và Nhân dân đồng sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội, đưa đất nước vững vàng đi lên phía trước. Và trong tâm trí mỗi người Việt Nam, tinh thần của Cách mạng tháng tám và ngày Quốc khánh 02/9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hòa bình và tinh thần ấy của Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam và đây là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do.

Phát huy tinh thần và những giá trị của Cách mạng tháng tám trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng: Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tinh thần Cách mạng tháng tám mãi mãi tỏa sáng, là nguồn sức mạnh của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của dân tộc Việt Nam Anh hùng, xây dựng giang sơn, gấm vóc ngày càng giàu đẹp./.

Nguồn: Kim Ngân – Nhà Văn hóa huyện

In Gửi Email
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang